Gặp Nguyễn Đình Thắng - Chủ tịch HĐQT Hồng Cơ Group, Chủ tịch HĐQT Trường Đại học Công nghiệp Vinh, ấn tượng ban đầu của tôi về anh là giọng nói. Giọng nói của anh luôn tràn đầy cảm xúc, nhiệt huyết và sự chân thành. Với anh, là một doanh nhân thì phải biết làm việc và biết sống. Một ngày đi qua là một ngày phải cố gắng, vượt lên những khó khăn bằng chính khả năng, nghị lực, niềm tin và đam mê. Tựa như câu thơ anh viết để tự nhắc nhở mình:
"Muốn sống mãi với đời xin đừng chờ đợi
Hãy lao mình sánh bước với thời gian”.
Ký ức tuổi thơ
Cội nguồn của Nguyễn Đình Thắng chỉ được biết rõ nhất từ đời ông nội của anh - ông Nguyễn Đan Quế (còn gọi là ông Đốc Quế). Ông là một nhân sỹ yêu nước nổi tiếng từ những năm 1930, khi ông làm Đốc học Trường Pháp Việt, phủ Quảng Hóa, Thanh Hóa. Từ năm 1928, ông đưa gia đình về lập trại tại làng Sóc Sơn, xã Vĩnh Hùng, huyện Vĩnh Lộc, tỉnh Thanh Hóa (trại ông Đốc Quế) để làm căn cứ hoạt động cách mạng liên thông với chiến khu Ngọc Trạo, Thanh Hóa. Ông nội, bố mẹ và các cô chú ruột của anh đều tham gia họat động cách mạng chống Pháp thời bấy giờ. Tại làng quê nghèo, nhỏ bé bên dòng sông Mã này, Nguyễn Đình Thắng được sinh ra và trải qua một thời thơ ấu ăm ắp những kỷ niệm vui buồn, những khó khăn vất vả. Đó là một quãng đời bình dị và sôi nổi như dòng sông Mã, nhưng cũng nhiều khi cuồn cuộn như một đàn ngựa dữ tung bờm phi ra biển cả.
Vĩnh Lộc quê anh là vùng quê có lịch sử hình thành và phát triển lâu đời, có truyền thống yêu nước và tinh thần hiếu học, nơi đóng đô của Vua Hồ Quý Ly với Thành Nhà Hồ đã được UNESCO công nhận là Di sản Văn hóa Thế giới; nơi phát tích của 12 đời Chúa Trịnh; nơi sản sinh ra nhiều vị tướng có tài cầm quân như: Trần Khát Chân, Hoàng Ðình Ái, Trịnh Khả, …
Thừa hưởng những giá trị truyền thống gia đình, đặc biệt là gene học của ông nội và bố mẹ, nên từ nhỏ, Nguyễn Đình Thắng đã rất ham học hỏi và đặc biệt say mê toán học.
Thời ấu thơ trôi qua cùng những tháng ngày máy bay Mỹ ném bom miền Bắc, cho đến bây giờ, vẫn còn khắc ghi trong trí nhớ anh hình ảnh một cậu học trò nhỏ phải sống xa gia đình, đã trải qua bao khốn khó, cơm không đủ no, áo không đủ ấm, không ít đêm phải chong đèn dầu học dưới hầm tránh bom. Vậy mà Nguyễn Đình Thắng vẫn học giỏi tất cả các môn học, năm lớp 7 là học sinh giỏi toán của tỉnh dự thi Học sinh giỏi toán miền Bắc và trúng tuyển vào lớp Chuyên toán Đại học Sư phạm Vinh khi vừa tròn 14 tuổi. Nhưng vào năm 1972, Mỹ leo thang ném bom miền Bắc rất khốc liệt, nên anh không thể vào Vinh mà theo gia đình về quê Vĩnh Lộc, học tiếp phổ thông trung học tại quê nhà. Truyền thống quê hương, gia đình, những kỷ niệm của một thời tuổi thơ đặc biệt đó đã theo anh suốt chặng đường học tập và làm việc sau này. Chính những tháng năm không thể nào quên đó đã hun đúc nên một nhân cách sống đầy ý chí và bản lĩnh…
Dấu ấn một thời
Năm 17 tuổi, với kết quả thi đại học loại giỏi, chàng trai xứ Thanh ra Hà Nội theo học ngành Xử lý thông tin kinh tế bằng Máy tính Điện tử, Khoa Toán kinh tế, Trường Đại học Kinh tế Kế hoạch. Suốt 5 năm miệt mài trên giảng đường, Nguyễn Đình Thắng luôn là sinh viên tiên tiến của khoa, của trường.
Tốt nghiệp đại học hạng ưu, Nguyễn Đình Thắng được giữ lại trường làm giảng viên đại học khi chưa tròn 23 tuổi. Đang nghiên cứu xây dựng giáo trình cho một môn học mới: “Ứng dụng máy tính trong quản lý”, anh lên đường nhập ngũ vào cuối năm 1980, theo lệnh tổng động viên của Chủ tịch nước. Đầu năm 1981, anh được điều động về nhận nhiệm vụ Trợ lý Kế hoạch, Phòng Tham mưu, Binh đoàn 600, QK7 tại vùng rừng Cát Tiên, Đồng Nai. Thử thách mới đối với người lính trẻ là những những ngày sống chung với muỗi và vắt rừng nguyên sinh, những cuộc lội bộ xuyên rừng, những bữa ăn kham khổ... Nguyễn Đình Thắng lao mình vào công việc để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao, cống hiến sức trẻ và năng lực chuyên môn cho đơn vị, cho các phong trào Đoàn thanh niên với vai trò là Bí thư Đoàn của Binh đoàn bộ. Anh nói: “Kỷ niệm thời quân ngũ là một dấu ấn không bao giờ phai trong cuộc đời của tôi. Những năm tháng trong quân đội đã rèn luyện cho tôi tinh thần đồng đội, phẩm chất tốt đẹp và bản lĩnh của người lính, giúp cho tôi thêm nghị lực, lòng kiên trì và quyết tâm phấn đấu để đạt được mục tiêu của mình”.
Sau hơn 3 năm quân ngũ, tháng 4/1983, Nguyễn Đình Thắng chuyển ngành về làm việc tại Phòng Thảo chương của Công ty Máy tính IBM tại Tp. Hồ Chí Minh - một công ty máy tính duy nhất ở Việt Nam thời bấy giờ.
Vạn sự khởi đầu nan! Lại một thử thách mới với công nghệ cao của Mỹ mà anh chưa từng được tiếp cận. Vốn kiến thức cơ bản về lập trình máy tính và tiếng Anh thì đã quên đi rất nhiều rồi. Nên thời gian đầu đi làm, suốt ngày anh vùi đầu vào những cuốn sách kỹ thuật lập trình IBM, tra từ điển Anh Việt để đọc và nghiên cứu tài liệu với niềm đam mê và quyết tâm phải làm chủ được hệ thống máy tính IBM hiện đại nhất thời bấy giờ. Và cũng chỉ mấy tháng sau, anh nhanh chóng nắm bắt được chuyên môn kỹ thuật và chủ động xin nhận viết các chương trình ứng dụng trên máy IBM 360 cho khách hàng. Say mê làm việc, giỏi về chuyên môn, có khả năng tổ chức nên chỉ sau chưa đầy một năm, Nguyễn Đình Thắng được đề bạt lên chức Trưởng phòng Thảo chương của Công ty IBM (nay là Công ty Máy tính Việt Nam 2).
Đang có một công việc ổn định, gắn bó gần 10 năm và có cơ hội thăng tiến cao, nhưng Nguyễn Đình Thắng lại quyết định dấn thân vào một thử thách mới mà anh biết là sẽ nhiều chông gai và khó khăn vất vả. Nhưng, với hành trang là niềm tin “làm được những gì mình muốn làm và sẽ thành công”, Nguyễn Đình Thắng đã mạnh dạn đặt chân lên con đường đó, và bước tới!
Gian nan khởi nghiệp
Từ năm 1988, vài người bạn của anh ở Hà Nội đứng ra thành lập các công ty tư nhân để làm dịch vụ kỹ thuật và kinh doanh máy vi tính. Anh nhận thấy đây là hướng đi đúng để tự mình làm chủ trong công việc, phát huy hết năng lực của bản thân và chịu trách nhiệm với những quyết định của chính mình. Anh bộc bạch: “Lúc ấy, gia đình, bạn bè không ai đồng ý, vì nghĩ rằng tôi còn trẻ, tay trắng mà lập công ty riêng thì thật là phiêu quá…” .
Tuy nhiên, khó khăn ấy không làm lung lay bản lĩnh của một người quyết đoán như Nguyễn Đình Thắng. Anh suy nghĩ, các công ty tư nhân ở nước ngoài người ta làm được tại sao mình không thể làm được? Và bởi anh tin rằng: “Làm nghề gì cũng phải kiên trì làm đến cùng, làm bằng cái tâm, bằng niềm tin và sự đam mê của mình thì chắc chắn sẽ thành công”.
Thế là cuối năm 1993, Công ty TNHH Hồng Cơ ra đời, với vốn liếng ban đầu là 1.000 đôla, vừa đủ để lắp đặt một chiếc điện thoại bàn cho việc giao dịch kinh doanh. Không có vốn kinh doanh, kinh nghiệm quản lý không có, văn phòng công ty chỉ khoảng 30m2 là nhà của một người bạn cho thuê giá rẻ, Thời gian đầu kinh doanh chưa hiệu quả, khó khăn chồng chất khó khăn, có lúc tưởng chừng anh phải bỏ cuộc, đóng cửa công ty vì không có đủ tiền trả lương nhân viên và trang trải nợ nần.
Nhưng tất cả khó khăn vất vả đó không làm anh và các cộng sự của mình nản chí mà trái lại, càng thôi thúc anh nỗ lực nhiều hơn, chấp nhận đương đầu với thử thách mới, nắm vững tay chèo quyết tâm đưa con thuyền Hồng Cơ vượt sóng gió ra khơi.
Bản lĩnh thuyền trưởng
Kiên định con đường đã chọn, Nguyễn Đình Thắng và các cộng sự lao vào công việc với tất cả nhiệt huyết của mình. Anh vừa làm quản lý công ty vừa làm việc như một nhân viên kinh doanh, một nhân viên kỹ thuật, miễn sao đáp ứng được tốt nhất yêu cầu của khách hàng. Nhờ vậy mà Công ty Hồng Cơ đã nhanh chóng có đuợc sự tín nhiệm của khách hàng và khẳng định vị thế trên thị trường tin học tại Thành phố Hồ Chí Minh. Anh tâm sự: “Để phát triển nhanh và theo kịp các công ty đi trước, không có cách nào khác là phải làm việc nhiều hơn, phải tận dụng thời gian để chạy nhanh về phía trước và phải biết tận dụng cơ hội hợp tác kinh doanh với những hãng máy tính hàng đầu của thế giới” .
Vượt lên mọi khó khăn, Nguyễn Đình Thắng cùng toàn thể cán bộ nhân viên của Hồng Cơ quyết tâm thực hiện và theo đuổi mục tiêu đến cùng. Những giọt mồ hôi, công sức và trí tuệ của anh cùng toàn thể cán bộ công nhân viên Hồng Cơ cũng đến mùa kết trái. Cuối năm 1994, Hãng máy tính COMPAQ đã chọn Công ty Hồng Cơ là một trong ba đại lý phân phối ủy quyền đầu tiên cho COMPAQ tại Việt Nam. Và từ đó, mở ra những cơ hội kinh doanh, đem đến những thành công mới cho anh và công ty của anh, khởi đầu cho thương hiệu Hồng Cơ trên thị trường tin học Việt Nam.
Tầm nhìn hội nhập
Với quan niệm: “Kiên trì để tồn tại, đầu tư để phát triển và phát triển để trường tồn”, sau thành công ban đầu với Hãng COMPAQ, Công ty Hồng Cơ tiếp tục trở thành đại lý cung cấp sản phẩm và dịch vụ cho nhiều hãng máy tính hàng đầu thế giới như IBM, HP, Acer, Cisco, Intel, MicroSoft… Điều này cũng chứng tỏ Hồng Cơ luôn là nhà cung cấp cho khách hàng những sản phẩm tốt nhất, mang thương hiệu của chính hãng, với dịch vụ bảo hành, bảo trì đúng theo tiêu chuẩn của hãng sản xuất… Đây chính là phương châm kinh doanh và mục tiêu chất lượng mà anh đã đặt ra cho Công ty Hồng Cơ.
Tháng 10/2003, Tổ chức BVQI chính thức công nhận Công ty Hồng Cơ đạt chất lượng Quản lý theo tiêu chuẩn Quốc tế ISO 9001:2000, đúng vào dịp kỷ niệm 10 năm thành lập của công ty. Điều đó khẳng định sự cam kết về chất lượng dịch vụ của Công ty Hồng Cơ với khách hàng của mình.
Đến nay, thương hiệu Hồng Cơ đã là một thương hiệu hàng đầu tại thị trường tin học Việt Nam, được nhiều khách hàng lớn trong nước và nước ngoài tín nhiệm. Công ty Hồng Cơ cũng không ngừng phát triển, từ một công ty đã trở thành Hồng Cơ Group với 5 công ty thành viên chuyên kinh doanh, dịch vụ về sản phẩm tin học, giải pháp hệ thống CNTT, sản xuất phần mềm, công nghệ viễn thông... Thương hiệu Hồng Cơ gắn liền với tên tuổi của anh, nên bạn bè và những người biết anh đều gọi anh bằng cái tên thân mật “Thắng - Hồng Cơ”.
Anh chia sẻ: “Hiện tại, ngành công nghiệp CNTT và đặc biệt là ngành phần mềm Việt Nam đang đứng trước một thách thức và một cơ hội rất lớn để hội nhập và phát triển. Doanh nghiệp CNTT Việt Nam phải nỗ lực hết sức mình để nắm bắt cơ hội này, góp phần phát triển ngành CNTT nói riêng và nền kinh tế của Việt Nam nói chung” .
Nguyễn Đình Thắng đã định hướng và xây dựng cho Hồng Cơ Group một chiến lược phát triển kinh doanh ngắn hạn và dài hạn trong tương lai. Anh quan tâm đặc biệt đến kế hoạch phát triển nguồn nhân lực và tạo điều kiện thuận lợi nhất cho mỗi người trong công ty được tham gia học và đào tạo nâng cao trình độ nghiệp vụ chuyên môn, phát huy tốt nhất năng lực làm việc của mình, đồng thời có chính sách ưu đãi tuyển dụng người giỏi kế cận cho các vị trí lãnh đạo trong công ty. Với anh, có 3 điểm chính để khẳng định thương hiệu và sự vượt trội của doanh nghiệp. Thứ nhất: Năng lực của cán bộ quản lý, trình độ chuyên môn của nhân viên ; Thứ hai: Cung cấp sản phẩm uy tín, chất lượng và giá cạnh tranh ; Thứ ba: Qui trình và dịch vụ chăm sóc khách hàng tốt. Các công ty trong Hồng Cơ Group của anh đã và đang cùng với anh phấn đấu để phát huy điều đó.
Trong những năm qua, Công ty Hồng Cơ và Công ty Đan Phong đã vinh dự được Nhà nước và các Hiệp hội tặng nhiều giải thưởng, phần thưởng, danh hiệu như: Bằng khen của Chủ tịch UBND thành phố Hồ Chí Minh, Giải thưởng Sao Khuê của Hiệp Hội Doanh nghiệp phần mềm Việt Nam (trong 02 năm 2005, 2006), Giải thưởng Doanh nghiệp phần mềm tiêu biểu nhất, Giải thưởng phần mềm tiêu biểu của Việt Nam, Giải thương Sao Vàng Đất Việt năm 2007, Giải ADOC của Châu Á năm 2006, …vv.
Cá nhân Nguyễn Đình Thắng được trao tặng danh hiệu Doanh nhân Sài Gòn tiêu biểu, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Bưu chính - Viễn Thông, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ thông tin - Tuyên truyền, Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Khoa học Công nghệ, Huy chương vì sự nghiệp phát triển KHKT Việt Nam của Liên hiệp Hội Khoa học Việt Nam, Kỷ niệm chương "Vì sự nghiệp khuyến học Việt Nam", Bằng khen của Chủ tịch tỉnh Thanh Hóa …v.v;
Không dừng lại ở đó, Nguyễn Đình Thắng còn tham gia thành lập và là Chủ tịch HĐQT/ Thành viên HĐQT của 17 công ty hoạt động trên nhiều lĩnh vực khác nhau. Và mới nhất vào cuối tháng 1/2015, anh đảm nhận trách nhiệm Chủ tịch Trường Đại học công nghiệp Vinh. Anh chia sẻ: “Tôi là người tham công tiếc việc, luôn muốn trải nghiệm năng lực làm việc của mình trong lĩnh vực mới. Vẫn biết thêm việc là thêm khó khăn, vất vả, nhưng đó cũng là sự đam mê của tôi, để được cống hiến nhiều hơn, chung sức với bạn bè để có được những thành công lớn hơn”.
Doanh nhân Nguyễn Đình Thắng
Góp sức cho cộng đồng
Nhiều năm nay trên cương vị Phó chủ tịch Hội Tin học Việt Nam, Phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Phần mềm và Nội dung số Việt Nam (VINASA), Nguyễn Đình Thắng luôn chủ động tham gia tích cực vào các hoạt động của cả hai hiệp hội với tôn chỉ là "Đoàn kết - Hợp tác - Hội nhập - Cùng phát triển". Tham gia vào công tác của hội tức là thêm việc, thêm vất vả, ‘là ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng’ … nhưng anh cũng như một số anh em khác vẫn nhiệt tình gánh vác để hướng tới mục tiêu thúc đẩy sự phát triển ngành CNTT Việt Nam lớn mạnh ngang tầm với khu vực và sẽ có tên trên bản đồ số của thế giới.
Với mong muốn liên kết các doanh nhân là người Thanh Hóa đang sống và làm việc tại Thành phố Hồ Chí Minh và miền Nam để hỗ trợ nhau phát triển, tập hợp sức mạnh doanh nhân, vào tháng 10/2009, anh chủ trì thành lập và được tín nhiệm bầu làm Chủ tịch Câu lạc bộ Doanh nhân Thanh Hóa tại Tp. Hồ Chí Minh. Hiện tại Câu lạc bộ có hơn 200 hội viên và đã có nhiều hoạt động đóng góp công sức cho các chương trình an sinh xã hội, xúc tiến đầu tư cho quê hương Thanh Hóa cũng như các địa phương khác trong cả nước.
Lễ kỷ niệm 20 năm thành lập Công ty Tin học Hồng Cơ (11/1993 - 11/2013)
Luôn tâm niệm: "Là doanh nhân phải gắn xã hội trong kinh doanh và phải có trách nhiệm với cộng đồng", từ năm 2008, anh thành lập Quỹ khuyến học Nguyễn Đan Quế tại Thanh Hóa (mang tên ông nội của anh) để giúp các học sinh nghèo hiếu học. Cho đến nay quỹ đã huy động được vốn gốc gần 7 tỷ đồng; hằng năm, trao hàng ngàn suất học bổng cho các học sinh giỏi và học sinh nghèo hiếu học của tỉnh Thanh Hóa. Cuối năm 2009, cá nhân anh cùng với sự tài trợ của Ngân hàng Liên Việt đã thực hiện công trình cải tạo và xây mới trường trung học cơ sở cho xã Vĩnh Hùng đạt chuẩn Quốc gia, với trị giá gần 8 tỷ đồng trao tặng cho quê hương. Đồng thời anh cũng là người tích cực vận động tài trợ xây dựng các công trình trường học, trạm xá... tại địa phương; trực tiếp về trao tặng 800 tivi cho các gia đình nghèo tại tỉnh Thanh Hóa...
Điều làm chúng tôi thật sự bất ngờ là với một con người bận rộn công việc như anh mà vẫn có thời gian để làm Thơ và có nhiều bài Thơ rất hay, giàu cảm xúc sâu lắng về quê hương, cuộc sống và tình yêu... một số bài Thơ đã phổ nhạc.
Nhiều người nói Nguyễn Đình Thắng là một doanh nhân thành đạt, nhưng anh thì nói mình vẫn đang phấn đấu để thành đạt. Theo anh, con đường đi đến thành công không bao giờ trải sẵn hoa hồng mà luôn đầy rẫy những cạm bẫy, chông gai. Điều quan trọng là mỗi người phải biết tự tìm cho mình một lối đi phù hợp và kiên trì, quyết tâm đi đến đích ./.
Tác giả: Đan Phong
(Bài viết trong sách Khát vọng Sông Mã)